Liên kết website

Tên tác phẩm: NGUY CƠ TIỀN ẨN SỰ XÂM NHẬP CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH CHỐNG PHÁ ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN XÃ SẢNG TỦNG Thể loại Báo điện tử.

23/11/2023 09:33 47 lượt xem

Sapo: Sảng Tủng là một xã nghèo của Huyện Đồng Văn với tỷ lệ hộ nghèo cao lên đến 68%, đa số là dân tộc Mông. Vì vậy nguy cơ xâm nhập của các thế lực chống phá là vấn đề đáng lo ngại. Nên việc nâng cao nhận thức và sử dụng các phương thức đấu tranh phù hợp sẽ giúp bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cho cộng đồng địa phương.

Các thế lực thù địch chúng là ai, họ là những cá nhân, tổ chức, Nhà nước, phi chính phủ hợp pháp hoặc bất hợp pháp, ở trong nước hoặc ở ngoài nước, người Việt Nam hoặc người nước ngoài... với mục đích chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên lĩnh vực tư tưởng, chính trị đều là thành phần của “các thế lực thù địch”.[i]

Các thế lực thù địch có nhiều cách tiếp cận vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số với mục đích tạo ra mối chia rẽ, mâu thuẫn trong cộng đồng, tạo ra mối quan hệ phụ thuộc giữa cộng đồng với bên ngoài, phá hoại và chiếm đoạt quyền tự do của dân tộc. Dưới đây là một số cách thường thấy:

(1) Tuyên truyền và ảnh hưởng tư tưởng: Chúng sử dụng phương tiện truyền thông, mạng xã hội, báo chí và các tổ chức phi chính phủ để lan truyền thông điệp tiêu cực và tác động tư tưởng độc hại đến đồng bào. Những thông điệp này thường gây chia rẽ, kích động mâu thuẫn và khơi dậy hoạt động phản đối và phá hoại chính quyền.

(2) Hỗ trợ tài chính: Các thế lực này hỗ trợ tài chính cho các tổ chức hoạt động phản đối và phá hoại bằng cách cung cấp nguồn tiền và nguồn lực. Họ tài trợ cho cuộc biểu tình, tổ chức phi chính phủ và nhóm cực đoan nhằm gây mất ổn định và chiếm đoạt quyền lực.

 (3) Thâm nhập và hỗ trợ lực lượng đối lập: Các thế lực này thâm nhập và tuyên truyền để hỗ trợ các nhóm đối lập trong nhân dân. Họ hứa hẹn lợi ích và hỗ trợ nhằm kích động người dân tham gia hoạt động phản đối và chống chính quyền, gây ra mối chia rẽ và phá vỡ sự đoàn kết trong cộng đồng.

(4) Tổ chức phi chính phủ: Chúng thành lập các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong vùng, tạo ra sự song hành với chính quyền địa phương và ảnh hưởng đến quyết định và chính sách trong vùng.

(5) Sử dụng vũ lực và khủng bố: Trong một số trường hợp, các thế lực này sử dụng bạo lực, khủng bố và các hoạt động phi pháp để đe dọa, kiểm soát và áp đảo đồng bào dân tộc thiểu số. Điều này gây ra sự hoang mang, sợ hãi và làm suy yếu quyền tự do và an ninh của cộng đồng.

Trong những năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự xâm nhập đáng lo ngại của các thế lực thù địch vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các tình huống dưới đây là một phần trong thực tế đáng buồn về hiện tượng này.

Thứ nhất, tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên: Từ những năm 2003-2004 có những người phản động sống ở nước ngoài đã truyền bá ý tưởng ly khai và tự trị thông qua một số cá nhân. Họ tập hợp người Mông và thực hiện hàng loạt hoạt động chống phá.

Trong giai đoạn 2005 - 2011, nhiều đối tượng như Sùng Vả Mình, Hờ Tủa Mình, Sùng A Sài, Tráng A Chớ và Vàng A Ía đã tiến hành tuyên truyền và chuẩn bị thành lập "nhà nước Mông" tại Tây Bắc. Nhóm này lợi dụng mê tín dị đoan để tuyên truyền và thành lập "vương quốc Mông". Hành động này đã thu hút sự quan tâm của nhiều người Mông trong và ngoài tỉnh, thậm chí có người từ Đắk Lắk bán tài sản để quyên góp cho tổ chức phản động và đổ về bản Huổi Khon để cùng xây dựng nhà nước mới.

Chúng không ngừng chuẩn bị vũ trang, tập võ, mua vũ khí, lương thực, xăng dầu và liên lạc với tổ chức cầm đầu ở nước ngoài để nhận sự hỗ trợ. Họ xây dựng lều, trại và cử người canh gác để bảo vệ căn cứ của họ khỏi người lạ tiếp cận. May mắn thay, nhờ sự vào cuộc của lực lượng Công an và các đơn vị chức năng, tình hình tại bản Huổi Khon đã được kiểm soát. 127 đối tượng đã bị bắt giữ và nhiều vũ khí, lương thực và thiết bị đã được thu giữ. Họ đã bị khởi tố và đưa ra xét xử vì hành vi phá rối an ninh.

Thứ hai, chúng ta hãy nhìn vào "Nhà nước Đề Ga" tại Tây Nguyên: Một vùng đất lâu đời luôn là mục tiêu tấn công của các thế lực thù địch. Các thế lực thù địch đã tạo ra "Nhà nước Đề Ga" ở nước ngoài. Trong nước, họ sử dụng tổ chức Tin Lành Đề Ga là lực lượng chống phá. Tổ chức FULRO[ii] đã tạo ra các tổ chức như MFI và MHRO để thực hiện những hoạt động gây mất ổn định ở Tây Nguyên như những vụ bạo loạn vào các năm 2001, 2004, 2008 và mới đây nhất là 2023 tại Đắk Lắk.

Nhóm này đã sử dụng Internet và mạng di động để liên lạc, tuyên truyền và lừa đảo để tạo sự chia rẽ, đoàn kết và củng cố tổ chức, từ đó tạo niềm tin cho bọn phản động trong nước.

Sau khi thất bại chúng lôi kéo người dân Tây Nguyên trốn sang Campuchia và tuyên bố định cư ở Mỹ nhằm tạo nơi ẩn náu và tập hợp lực lượng để gây mất ổn định lâu dài ở Tây Nguyên.

Thứ ba, chúng ta cần quan tâm đến xâm nhập tôn giáo và sự phân cắt trong cộng đồng ở thôn Trừ Lủng, xã Sảng Tủng, huyện Đồng Văn: Những năm 1999, các thế lực thù địch đã lợi dụng vị trí địa lý hẻo lánh của thôn này để tiến hành một chiến dịch truyền đạo trái phép. Chúng lợi dụng sự nghèo đói, thiếu hiểu biết để lôi kéo những người có ảnh hưởng trong cộng đồng như trưởng dòng họ, trưởng thôn, công an viên, để tuyên truyền và đưa sai lệch thông tin về tôn giáo, truyền bá những tư tưởng hão huyền để lôi kéo toàn bộ người dân trong thôn tham gia. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, không có vụ việc đáng tiếc hay đau lòng xảy ra, và người dân đã quay trở lại sinh hoạt theo phong tục tập quán và tin tưởng vào Đảng và Nhà nước.

Các tình huống trên thực tế là những bài học quý giá về việc cần phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục để ngăn chặn sự xâm nhập và phân cắt này, cũng như củng cố niềm tin, đoàn kết trong cộng đồng dân tộc thiểu số để bảo vệ an ninh, ổn định quốc gia.

Sảng Tủng là một xã vùng cao, khó khăn có những điểm tương đồng lớn như người dân trên địa bàn hầu hết là dân tộc Mông, tỷ lệ hộ nghèo cao (68%), vẫn có một số phần tử cực đoan, thiếu hiểu biết, bất mãn với cấp ủy, chính quyền. Do đó có nguy cơ các thế lực thù địch sử dụng điểm yếu này chống phá Đảng và Nhà nước. Để ngăn chặn sự xâm nhập của thế lực thù, cần áp dụng các giải pháp sau:

Thứ nhất:Tăng cường sự lãnh đạo và chỉ đạo của ủy Đảng đối với công tác dân tộc, tôn giáo. Cần cải tiến nội dung và phương thức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo bằng tiếng địa phương nhằm nâng cao sức đề kháng của nhân dân trước những lời xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch.

Thứ hai: Tăng cường củng cố và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh toàn diện. Tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chính quyền, đồng thời chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ là người dân tộc thiểu số. Tăng cường công tác nắm bắt dư luận trong nhân dân.

Thứ ba: Tăng cường đầu tư và hỗ trợ thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo sáng tạo và phù hợp. Củng cố hệ thống chính trị, quan tâm đến đào tạo và bố trí cán bộ dân tộc thiểu số. Phân công cán bộ hiểu biết văn hóa địa phương đặc biệt là phát huy vao trò của Bí thư Chi bộ, trưởng thôn, người có uy tín để tuyên truyền và giáo dục cộng đồng.

Thứ tư: Tăng cường phối hợp giữa Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội, cùng với toàn xã hội, trong việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về dân tộc, tôn giáo, dân chủ và nhân quyền, nhằm tạo thành một thế trận rộng khắp, có tính hiệp đồng tác chiến trên quy mô lớn.

Thứ năm: Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về an ninh mạng cho toàn thể nhân dân để nhận diện những đối tượng có dấu hiệu dụ dỗ, lôi kéo để chống phá Đảng và Nhà nước trên internet, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok,… để nhân dân biết phòng tránh.

Thứ sáu: Kết hợp sử dụng tổng hợp các phương thức đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ”, mà cốt lõi là công tác vận động quần chúng; chủ động ngăn ngừa, lấy giáo dục, thuyết phục, vận động là chính. Khi giải quyết các vấn đề phức tạp nảy sinh phải xử lý kiên quyết, mềm dẻo, linh hoạt, thận trọng, dứt khoát, đúng pháp luật, không để lan rộng thành các điểm nóng trên địa bàn.

Các âm mưu, phương thức xâm nhập và thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch và phản động trong lĩnh vực dân tộc, tôn giáo là mối nguy hiểm không thể coi thường nên mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân cần nhận thức rõ và sử dụng phương thức đấu tranh phù hợp để bảo vệ tư tưởng của Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN.

 

[i] Lê Văn Cương: Nhận dạng các quan điểm sai trái, thù địch từ các vấn đề nhạy cảm và các lĩnh vực khác; Tổng quan đề tài cấp nhà nước độc lập, mã số: ĐTĐL-200317; đề tài “nghiên cứu, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng cộng sản Việt Nam trong tình hình mới”, tr.92.

[ii] Tổ chức Mặt trận thống nhất đấu tranh của các dân tộc bị áp bức: Đây là một tổ chức chính trị, phảm động có vũ trang do các thế lực đế quốc tạo ra, nuôi dưỡng và chỉ đạo nhằm lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thào Mí Phừ

Tin khác